TỔ NGỮ VĂN ĐÓN TIẾP VÀ LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN NGHIÊN CỨU, SƯU TẦM CA DAO NAM BỘ
Sóc Trăng nước mặn đồng bằng
Dân lành lúa tốt, của hằng trời cho
Kế Sách, Ba Rinh, Xà Mo
Lắm vườn nhiều ruộng, không lo mất mùa.
Hay:
Anh qua Vàm Tấn anh đến Cù Lao
Cho anh xin chút má đào của em.
Hoặc:
Hỏi anh có nhớ Bãi Xàu
Bánh xầy chiên mỡ, bánh bao thịt bằm.
Thật vậy, văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng nền văn học dân tộc. Nhiều thể loại văn học viết được xây dựng và phát triển dựa trên sự kế thừa của nhiều thể loại văn học dân gian.
Sáng ngày 28 tháng 1 năm 2021, tổ Ngữ Văn trường THPT Thuận Hòa vui mừng đón tiếp đoàn nghiên cứu và sưu tầm văn học dân gian nói chung và ca dao Nam Bộ nói riêng do Giáo sư Tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị dẫn đầu.
Đại diện tổ Ngữ Văn do Thạc sĩ Trần Thanh Tùng, Tổ phó chuyên môn cùng các thành viên của tổ đón tiếp và trao đổi với đoàn nghiên cứu.
Tại buổi làm việc, các thành viên trao đổi rất nhiều nội dung liên quan đến văn học dân gian nói chung và ca dao Nam Bộ nói riêng hiện đang giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Đặc biệt, các thành viên trao đổi nhiều xoay quanh vấn đề sưu tầm văn học dân gian trong nhân dân thông qua các em học sinh, về nội dung cũng như phương pháp giảng dạy văn học dân gian trong thời đại 4.0 với những khó khăn và thuận lợi,… Đa số các thành viên cũng thống nhất trong thời gian sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ca dao Nam bộ vào chương trình sách giáo khoa Ngữ văn,...
Kết thúc buổi làm việc, các thành viên tổ Ngữ văn rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc sưu tầm, đặc biệt là linh hoạt về phương pháp giảng dạy văn học dân gian trong đó có ca dao. Đồng thời, xác định rõ tầm quan trọng của ca dao nói riêng và văn học dân gian nói chung trong dòng chảy của văn học hiện đại Việt Nam.